• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ TUY HÒA
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

SIÊU ÂM LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SIÊU ÂM

  1. Siêu âm là gì?

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán bệnh bằng cách sử dụng đầu dò phát sóng âm tần số cao để ghi lại hình ảnh trực tiếp bên trong cơ thể, sau đó phản xạ lại và  thể hiện thông qua hình ảnh y khoa.

Siêu âm là một phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân. Đây là một phương pháp phổ biến, hiệu quả và an toàn tuy nhiên cần có sự chỉ định và khuyến cáo từ bác sĩ.

Siêu âm được sử dụng để khảo sát nhiều bộ phận, cơ quan quan trọng trong cơ thể như: ổ bụng, sản khoa, tim mạch, phụ khoa, tuyến vú, tuyến giáp.... và hỗ trợ kỹ thuật cho các y học khác.

  1. Các câu hỏi thường gặp khi siêu âm

  •  Siêu âm có cần nhịn ăn không?

Thông thường, siêu âm ở một số cơ quan, bộ phận có thể được thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị gì như siêu âm tim, mạch máu, vùng mặt cổ, mắt, tuyến giáp, tuyến vú, các phần mềm, cơ xương khớp… Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định người tham gia siêu âm cần chuẩn bị kỹ càng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kỹ thuật này, tránh kéo dài quá trình:

  • Siêu âm gan, túi mật, tuyến tụy và lá lách: Cần ăn một bữa không có chất béo vào buổi tối trước ngày siêu âm, sau đó nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ trước khi thực hiện kỹ thuật.
  • Siêu âm phụ khoa, thận – tiết niệu (niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt): Cần uống 4 – 6 ly nước nhịn tiểu khoảng 1 giờ trước siêu âm để bàng quang căng. Ngoài ra, người tham gia có thể được yêu cầu nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ trước khi siêu âm nhằm không để tích tụ khí trong ruột.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo: Cần đi tiểu sạch trước khi siêu âm, tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân siêu âm thai và có chẩn đoán là sẹo bám vết mổ cũ hoặc có nghi ngờ thì nên nhịn tiểu tương tự như siêu âm phụ khoa.
  • Ăn rồi có siêu âm bụng được không?

Để việc thực hiện siêu âm bụng thu được kết quả rõ nét và chính xác, bác sĩ khuyến cáo người tham gia kiểm tra chỉ cần ăn nhẹ, sử dụng các thức ăn dễ tiêu, tránh những thức ăn dầu mỡ gây đầy bụng, khó tiêu.

Đối với những trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, người tham gia kiểm tra không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn tiểu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có sự chuẩn bị, để mang lại hình ảnh chính xác, khuyến cáo người tham gia kiểm tra nên nhịn ăn ít nhất là 6 – 8 giờ trước khi siêu âm.

  • Đi siêu âm nên mặc gì?

Nên mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, thuận tiện cho việc bộc lộ vùng cần khảo sát.

  •  Siêu âm có giúp phát hiện ung thư không?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hiện tại, siêu âm sẽ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có hiệu quả, nhanh chóng và giá thành rẻ trong việc tầm soát ung thư, tạo tiền đề cho các bác sĩ có chỉ định các phương pháp tiếp theo như sinh thiết, xét nghiệm máu, nội soi, chụp CT…

  • Quy trình siêu âm như thế nào ?
  • Trước khi siêu âm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhịn tiểu, nhịn ăn hay đi tiểu sạch tùy vào mục đích siêu âm để có thể thu được những hình ảnh rõ nét và chính xác.
  • Tùy thuộc vào vị trí cần khảo sát mà bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm hoặc ngồi để siêu âm. Sau khi bệnh nhân chuẩn bị tư thế sẵn sàng, bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng một loại gel bôi trơn đặc biệt vào khu vực cơ thể cần được thăm dò. Gel này có nhiệm vụ giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể bệnh nhân và loại bỏ các túi khí giữa đầu dò và da có thể chặn sóng âm truyền vào cơ thể bệnh nhân. Đầu dò được đặt trên cơ thể và di chuyển qua lại liên tục trong khu vực cần khảo sát cho đến khi kỹ thuật viên nhìn thấy được hình ảnh mong muốn và kịp ghi lại. Đa phần áp lực từ đầu dò đè ép vào khu vực được kiểm tra không gây ra sự khó chịu nào cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu khu vực thăm khám siêu âm là ở vùng mô mỏng, bệnh nhân có thể cảm thấy tức hoặc đau nhẹ từ đầu dò khi bác sĩ ấn.
  • Sau khi siêu âm xong, bạn có thể lau sạch gel siêu âm khỏi toàn bộ da và gel này khô rất nhanh chóng. Gel siêu âm thường không làm ố hoặc biến màu quần áo.
  • Khi kỹ thuật siêu âm hoàn tất, bệnh nhân sẽ chờ nhận thông báo kết quả từ bác sĩ và cầm kết quả quay trở lại phòng khám ban đầu để bác sĩ điều trị có thể tư vấn và có hướng điều trị phù hợp. 
  1. Lợi ích và hạn chế của siêu âm

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất bởi:

  • Kỹ thuật siêu âm không xâm lấn, không gây đau, gây hại cho người sử dụng
  • Thao tác dễ dàng, ít tốn kém hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác
  • Không sử dụng bức xạ, cực kỳ an toàn
  • Hình ảnh siêu âm rõ nét, có thể nhìn rõ các mô mềm vốn không hiển thị tốt trên X-quang
  • Siêu âm cung cấp hình ảnh ở thời gian thực, là một công cụ hỗ trợ tốt cho việc chỉ định các thủ thuật xâm lấn tối thiểu tiếp theo như sinh thiết, chọc hút dịch.

Tuy nhiên, kỹ thuật này vẫn còn tồn đọng hạn chế nhất định. Sóng siêu âm bị ngăn cản bởi hơi và không khí, do đó siêu âm không phải là phương pháp chẩn đoán hình ảnh lý tưởng cho việc kiểm tra ở ruột và các cơ quan bị ruột che khuất. Thêm vào đó, sóng siêu âm không thể truyền được qua xương, thông thường siêu âm được dùng để khảo sát các cấu trúc quanh xương.

  1. Kết luận

Như vậy, có thể thấy, siêu âm là một biện pháp tương đối an toàn với cơ thể người. Nó có thể thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác và gần như không gây tác dụng phụ nào. Vì vậy bạn không cần phải lo lắng khi được chỉ định siêu âm. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khám siêu âm theo sự chỉ định của bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để đảm bảo kết quả chính xác.


Tác giả: BS. Huỳnh Nguyễn Như Quỳnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Thống kê truy cập
Hôm nay : 55
Tháng 05 : 1.819