BỆNH BẠCH HẦU - UỐN VÁN VÀ VẮC XIN PHÒNG BỆNH
I. Bệnh Bạch hầu
1. Đại cương:
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em < 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.
2. Nguyên nhân và đường lây:
- Nguyên nhân: Do Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu.
- Đường lây: Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
3. Triệu chứng:
- Đau họng và khàn giọng
- Chảy nước mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Khó thở
- Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.
Ảnh: Nguồn https://medlatec.vn/tin-tuc/benh-bach-hau
4. Biến chứng:
- Hô hấp: gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng, thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp.
- Viêm cơ tim
- Tổn thương thần kinh. Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh: gây khó nuốt, viêm cơ gây yếu cơ, có thể bị tê liệt.
5. Phòng bệnh:
- Đảm bảo nhà ở sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng vì dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được vài giờ còn trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
- Giữ vệ sinh thân thể mũi, họng hàng ngày;
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngời mắc bệnh;
- Nếu có dấu hiệu nghi bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu
II. Bệnh uốn ván:
1.Đại cương:
- Uốn ván là một bệnh cấp tính nặng, có khả năng gây tử vong do độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra đặc trưng bởi các cơn co giật trên nền tăng trương lực cơ.
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi
2. Nguyên nhân và đường lây:
- Nguyên nhân: Do vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) là trực khuẩn Gram (+) kỵ khí bắt buộc, sinh nha bào và gây bệnh bằng ngoại độc tố.
- Đường lây: Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ.
3. Triệu chứng:
- Lúc đầu mỏi hàm, nói khó, nuốt vướng, khó nhai, khó há miệng tăng dần và liên tục. Khi dùng đè lưỡi ấn hàm xuống thì hàm càng cắn chặt hơn
- Có thể gặp các biểu hiện khác như: bồn chồn, sốt cao, vã mồ hôi và nhịp tim nhanh.
- Co cứng các cơ: cơ mặt, cơ lưng, cơ bụng…
- Co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng - thanh quản.
- Co cứng cơ toàn thân liên tục, tăng lên khi kích thích, người bệnh rất đau.
- Co thắt thanh quản gây khó thở, tím tái, ngạt thở dẫn đến ngừng tim.
- Co thắt hầu họng gây khó nuốt, nuốt vướng, ứ đọng đờm rãi, dễ bị sặc.
- Co thắt các cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện.
- Cơn giật kéo dài vài giây đến vài phút hoặc hơn. Trong cơn giật người bệnh rất dễ bị co thắt thanh quản, co cứng cơ hô hấp dẫn đến giảm thông khí, thiếu oxy, tím tái, ngừng thở, và có thể tử vong.
- Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong trường hợp nặng với các biểu hiện: da xanh tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm rãi, sốt cao 39 - 40oC hoặc hơn, tăng hoặc hạ huyết áp, huyết áp dao động không ổn định, loạn nhịp tim có thể ngừng tim.
- Xuất hiện các cơn giật cứng khi có các kích thích đến từ: Tiếng động, ánh sáng chiếu, tiêm chích, hút đờm dãi... hoặc có thể tự phát, cơn giật thường xuất hiện rõ ràng hơn.
Ảnh: Nguồn https://suckhoe123.vn/suc-khoe /blog/benh-uon-van-nguy-hiem-the-nao
4. Biến chứng
- Khi co giật, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tím tái do suy hô hấp, vã mồ hôi, uốn cong người lên hoặc sang một bên.
- Họng bị co thắt, cứng cơ hoành và thanh quản, người bệnh có nguy cơ ngạt và tử vong đột ngột.
- Suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng phế quản, thở nhanh, viêm phổi và các nhiễm trùng khác…
- Thần kinh sọ bị liệt, rối loạn tâm thần.
Đặc biệt, cần lưu ý đến đối tượng trẻ em và người già khi mắc bệnh uốn ván bởi đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ tử vong cao nhất.
5. Phòng bệnh:
- Để phòng bệnh và tránh các di chứng bệnh uốn ván nguy hiểm có thể xảy ra, cách tốt nhất hiện nay đó là tiêm phòng vắc xin uốn ván đầy đủ. Việc tiêm phòng uốn ván đầy đủ sẽ giúp bạn có khả năng miễn dịch tốt với bệnh truyền nhiễm uốn ván này. Sau đây là những lời khuyên hữu ích về cách phòng bệnh uốn ván:
- Sinh đẻ vô trùng ngay cả khi người mẹ đã được tiêm vắc xin phòng uốn ván.
- Khi bị thương, xây xước thì ngay lập tức cần xử lý sạch vết thương, sau đó cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng uốn ván đầy đủ, kịp thời.
- Bệnh uốn ván có khả năng xảy ra lần 2 đối với những người đã từng mắc phải. Do đó, người bệnh cần phải tiêm phòng khi có các biểu hiện nguy cơ kể trên.
- Chủ động phòng ngừa uốn ván ngay từ ban đầu để tránh các di chứng bệnh uốn ván nguy hiểm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần theo dõi lịch tiêm và tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ bản thân cũng như em bé trong bụng.
III. Vắc xin Phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Bạch hầu- uốn ván gây ra Bộ Y tế đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia các loại vắc xin phòng bệnh Bạch hầu- Uốn ván cho trẻ em Việt Nam, cụ thể.
1. Vắc xin 5 trong 1 (SII):
- SII Là 5 loại vắc xin phòng 5 bệnh khác nhau được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm chủ động bảo vệ trẻ khỏi 5 bệnh nguy hiểm hàng đầu, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
- Tiêm 3 mũi khi trẻ đủ 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
- Liều lượng: 0,5 ml
- Đường tiêm: tiêm bắp
2. Vắc xin Bạch hầu-Ho gà- Uốn ván (DPT)
Ảnh: nguồn https://soyte.yenbai.gov.vn/
- DTP là vắc xin kết hợp chống lại ba bệnh truyền nhiễm ở người được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm chủ động bảo vệ trẻ khỏi 3 bệnh nguy hiểm, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Được tiêm nhắc 1 mũi khi trẻ đủ 18- 24 tháng tuổi.
- Liều lượng: 0,5 ml
- Đường tiêm: tiêm bắp
3. Vắc xin uốn ván – bạch hầu hấp phụ (Td)
- TD là vắc xin kết hợp chống lại 02 bệnh truyền nhiễm ở người được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm chủ động bảo vệ trẻ khỏi 2 bệnh nguy hiểm bao gồm: Bạch hầu, uốn ván.
- Được tiêm nhắc 1 mũi khi trẻ đủ 7 tuổi ( học sinh lớp 2).
- Liều lượng: 0,5 ml
- Đường tiêm: tiêm bắp.
Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra
Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh
Tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm.
Ảnh: nguồn https://vtv.vn/suc-khoe/tp-ho-chi-minh