Bệnh Lao ? Phòng chống bệnh lao?
Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis
MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh.
Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Bệnh lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới, 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao mỗi năm.
Ngày thế giới phòng chống lao năm 2025, Việt Nam lấy chủ đề là “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”, đây là lời khẳng định những nỗ lực cam kết, đầu tư, hành động ở mức cao nhất trong công tác phòng chống lao.
Qua đánh giá, năm 2024, Chương trình chống lao quốc gia đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay, với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113.000 ca (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn trên 72%, tỷ lệ điều trị thành công đạt 89% (cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu - mức 88%).
Tuy nhiên, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới, 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.
1. Tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao:
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em.
- Người có tiền sử chẩn đoán, điều trị bệnh lao.
- Người có rối loạn, suy giảm miễn dịch, như: Bệnh tự miễn, nhiễm HIV, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (Corticosteroid), hoá chất điều trị ung thư, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.
- Người mắc các bệnh mạn tính: Đái tháo đường, suy thận mạn, v.v...
- Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng và trẻ em chưa được tiêm phòng vaccine BCG.
- Người sống trong môi trường khép kín, thông gió kém, như: Quản giáo, tù nhân, người bệnh tâm thần,…
- Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
- Nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế chuyên khoa lao và bệnh phổi.
2. Các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao:
Ho kéo dài trên 02 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể có các biểu hiện:
- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi;
- Sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 02 tuần;
- Ra mồ hôi đêm;
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
3. Muốn chữa bệnh lao có kết quả tốt cần phải:
Nguyên tắc chung điều trị lao được áp dụng cho tất cả các thể lao, bao gồm: Thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Điều trị có kiểm soát trực tiếp, phối hợp các thuốc chống lao, dùng thuốc đúng, đủ liều lượng thuốc, đủ thời gian điều trị, có theo dõi đánh giá kết quả điều trị.
Tác hại của việc điều trị không đúng không tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa là làm vi khuẩn lao kháng thuốc và bị mắc thể lao nặng hơn, khó chữa hơn, tỷ lệ điều trị thành công thấp dễ tử vong, tốn kém về kinh tế đó là mắc bệnh lao đa kháng thuốc và đây là nguồn lây rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Ngoài việc phát hiện các bệnh lao thể hoạt động chúng ta cần tần soát phát hiện những trường hợp bị nhiễm và mắc lao tiềm ẩn. Vậy lao tiềm ẩn là gì: Lao tiềm ẩn là những đối tượng bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa trở thành bệnh lao phát triển, những trường hợp này cần xác định xem có bị mắc lao tiềm ẩn hay không để điều trị ngay tránh bị mắc thể lao hoạt động vấn đề này còn ý nghĩa nữa là thời gian điều trị ngắn ít tốn kém dễ điều trị và không để lại di chứng bệnh.
Các đối tượng cần tần soát phát hiện lao tiềm ẩn:
- Người tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao phổi (bao gồm người sống cùng nhà với bệnh nhân, người làm việc, học tập cùng phòng ở cơ quan, trường học, v.v...);
- Nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị phòng, chống lao hoặc các cơ sở y tế có người bệnh lao đến khám;
- Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng;
- Tù nhân, trại viên các trại giáo dưỡng, trại tam giam, cơ sở tập trung,v.v...
- Người nhiễm HIV;
- Người mắc bệnh mạn tính: Đái tháo đường, bệnh phổi nghề nghiệp…
- Người sử dụng thuốc giảm miễn dịch kéo dài.
4. Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng:
- Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
- Điều trị dự phòng, điều trị lao tiềm ẩn;
- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện sớm bệnh lao để điều trị là cách phòng bệnh lao.
- Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc lao như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh, chụp phim X quang phổi làm xét nghiệm đờm để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi có mắc bệnh lao.